Món ngon từ cọ ỏm, man vị bùi, chát
Ngoài cọ ỏm, người dân trung du còn có món xôi cọ cũng nhớ nhung không kém. Ai đi xa quê mà không nhớ đến
Khi gió heo may bắt đầu “quấn quýt” bên những sườn đồi cũng là lúc quả cọ chín già. Bọn trẻ chăn trâu thường mang những cù lèo đi hái quả, thứ quả mang vị bùi, chát được lắng đọng qua mưa, nắng và gió trung du.
Có lẽ không nơi nào nhiều cọ như Phú Thọ… người Phú Thọ gắn bó với cây cọ từ mái nhà lá cọ, cái mành cọ làm mát mùa hè cho đến món xôi cọ dân dã mà đậm đà hồn quê đất cọ.
Với mảnh đất này, cọ là người bạn thân. Lá cọ dùng để lợp mái nhà tước lấy gân lá để bán, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, hoặc thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, quả cọ có vị bùi, ngậy là món ăn hấp dẫn với nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Cọ dùng để ỏm là loại cọ nếp tròn căng, nâu bóng mỡ màng như một lớp áo lụa thiên nhiên, nhìn đã thấy thích mắt. Những trái cọ được bứt ra, rửa qua nước cho sạch. Dùng một dúm nứa vụn rắc nhẹ và đều tay lên rá cọ (chỉ dùng phần cật nứa). Sau đó xóc đều rá cọ nhẹ tay như người đãi gạo hồi lâu tìm sạn. Lớp vỏ lụa đen nâu, mỏng tang bao bọc trái cọ đã bị cật nứa sắc lẹm cứa gọn ngọt, thay vào đó là lớp cùi hồng hồng. Đây là một công đoạn khá quan trọng bởi lẽ chất chát đắng của quả cọ nằm ở lớp vỏ lụa này. Dùng nước nóng (70-80 độ C) để om cọ, nước ỏm quả cọ phải được đun bằng nước giếng khơi hay nước nguồn, khi nước nóng già nổi bọt lăn tăn, bám đầy xoong là lúc cho quả cọ vào… Khoảng mươi, mười lăm phút sau cọ chín, hương cọ tỏa ra ngào ngạt cả góc bếp… Ỏm được một mẻ cọ ngon là phải khéo léo, kì công lắm. Quả cọ khi đã ỏm có màu nâu sậm, lúc ỏm xong váng nổi như váng mỡ bám quanh nồi, bóp vào mà quả thấy mềm, cho màu vàng ươm đườm đượm là ngon nhất.
Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý.
Ngoài cọ ỏm, người dân trung du còn có món xôi cọ cũng nhớ nhung không kém. Ai đi xa quê mà không nhớ đến trầm lòng những chiều thả trâu trên đồi cọ, lúc nhọ mặt người đánh trâu về được hít hà món xôi cọ thơm phức, ấm nồng tình thương của bà, của mẹ. Về một đôi ngày vào mùa cọ, sáng trước khi đi mẹ dậy sớm làm xôi: ăn đi con, của quê mình chẳng nơi nào có đâu con ạ…
Xôi cọ cũng làm từ cọ ỏm, nhưng sau khi cọ ỏm chín, ta dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt vàng óng của cọ. Thịt cọ ấy đem trộn đều với gạo nếp hương, xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun nhỏ lửa, đồ chín. Khi xôi chín, trộn thêm hành mỡ đã phi thơm vào khiến cho món xôi cọ càng hấp dẫn.
Xôi cọ chấm với muối vừng, đưa nhẹ vào lưỡi cũng đủ thấy mê ly. Hương rừng, hương đồng quyện thắm, giao hòa tinh tế trong tình người Phú Thọ thân thương, thuần hậu của núi đồi trung du…
Leave a Reply