Hấp dẫn, giòn rụm với bánh tôm Hồ Tây

Bánh tôm thực sự nổi tiếng từ khoảng 1954. Trước đó, trên đường Cổ Ngư có những ki ốt bán giải khát, nước dừa tươi

Hồ Tây rộng trên Năm trăm “ha”, cùng với hồ Trúc Bạch là một trong những cảnh đẹp từ nghìn xưa. Ở giữa hai con hồ, nổi lên một con đường kỳ diệu, nguyên xưa là con đê để giữ nước nên gọi là đường Cố Ngự, lâu ngày đọc chệch đi là đường Cổ Ngư, đã đi vào nhiều áng thơ ca. Những năm sáu mươi, được mở rộng thêm do sứclao động của thanh niên Hà Nội, nó được đổi tên thành Đường Thanh Niên. Đây là con đường đặc biệt của Hà Nội, rất hấp dẫn không chỉ riêng với người Hà Nội mà còn là niềm say mê của nhiều khách du lịch. Nó như một nét thơ, một bức tranh, một con đường trong thần thoại ngay giữa lòng thành phố.

Trên con đường này có một món quà nổi tiếng từ nhiều thập kỷ nay: . Tôm tươi, to ngọt đánh từ Hồ Tây lên, đặt lên những miếng bánh gồm bột mì rán giòn, nhất là những lát khoai lang thái con chì nhỏ, cháy cạnh, thơm nức mùi khoai chín. Bánh được ăn nóng cùng với nước chấm pha theo công thức đặc biệt, dưa góp là đu đủ xanh, và các loại rau thơm, rau sống. Ăn bánh tôm là ăn cay chua mặn ngọt, ăn sự thơm tho, tươi mát trong một không gian đầy thơ mộng của thiên nhiên, xây xanh gió mát, khí trời…

Bánh tôm thực sự nổi tiếng từ khoảng 1954. Trước đó, trên đường Cổ Ngư có những ki ốt bán giải khát, nước dừa tươi, chanh quả, bán thêm món bánh tôm là món ăn cho vui, ăn mà chơi cho những người đi chơi, nhàn tản.


Dần dần, nhất là từ thập kỷ sau mươi trở đi, các ki ốt bị dẹp bỏ, một số chuyển nghề, số khác được thu hút vào quốc danh, hình thành một quầy giải khát cùng bánh tôm, thuộc một cửa hàng ăn uống, cửa hàng Quán Thánh Bánh tôm mới được nhiều người dchú ý và trở thành một món quà đặc biệt Hà Nội.

Lúc đầu quán lợp tôn, rồi lợp ngói, nằm nép mình dưới một gốc đa cổ thụ, khi con đường được mở rộng thì cũng thêm nhiều bộ bàn ghế để phục vụ khách giải khát và ăn bánh tôm nhiều hơn. Những ngày ấy, muốn ăn được một suất bánh tôm, có khi phải chờ hàng giờ, tuy vậy, người lên đấy chơi là người không vội vàng, nên sẵn sàng chờ để ăn một bữa ngon lành vui vẻ như thế.

Bánh tôm Hồ Tây được ăn trong không khí mát rượi của gió hồ Trúc Bạch nổi tiếng lên những chiều hè, hay về phía Hồ Tây mà phía trước mặt là chùa Trấn Quốc thanh u, một ngôi chùa nổi tiếng từ thời các vua chúa xưa kia, nhất là thời Lê Trịnh. Xa hơn một chút là ngôi đền Cẩu Nhi nhỏ bé, có từ thời nhà Lý, đã ngót nghìn năm – tiếc là mới bị phá bỏ một cách vô ý thức, thiếu văn hoá của một số người coi kinh doanh trọng hơn văn hoá lịch sử. Nếu ắn bánh tôm vào mùa thu thì lại được hưởng những làn gió hiu hiu lạnh từ Hồ Tây thổi sang, có lúc lá đa rơi vào vai áo, càng làm món bánh tôm thêm ý vị.

Xung quanh, một trời mây nước, sóng hồ lăn tăn, gió tươi bát ngát, không có gì che tầm mắt, thật là phong cảnh hữu tình. Ăn bánh tôm là ăn ngay giữa trời, trong thiên nhiên như thế.

Sau này món bánh tôm được ưa chuộng, nhiều quán phát triển. Một căn nhà đồ sộ được dựng lên ngay chỗ con đường mở rộng. Cũng đẹp, nhưng tiếc là tường xi măng, cửa kính làm che mất tầm mắt của người du ngoạn, nên có phần nào nó không phù hợp với khung cảnh xung quanh. Nó cứng đơ, làm mất đi một phần vẻ đẹp của con đường thơ, đường tranh.

Hồ Tây có nhiều sản vật quí. Chim sâm cầm, cá chép vàng, ốc bươu, tôm càng. Tôm ấy là một nguyên liệu chính để làm bánh tôm, vì vậy mà có món bánh tôm Hồ Tây, vừa là tôm của Hồ Tây, vừa là món ăn được ăn ngay bên bờ Hồ Tây. Nó đã thành kỷ niệm của nhiều thế hệ, nhiều người đi xa Hà Nội, xa đất nước. Ngày nay đường Thanh Niên còn có rặng cây ngọc lan, hoa tím được trông cùng với hàng xoan tây cổ thụ, nên nhiều mùa đều có hoa đẹp. Ngoài quán bánh tôm còn có nhiều hàng khác, như du thuyền, nhà nổi, quán cá… nhưng bánh tôm Hồ Tây ngon nhất vẫn là bánh ở chỗ cái gốc đa xưa kia.

Ăn bánh tôm không cần bún, vì không phải là món quà để ăn no. Nó ngon hơn bánh tôm làm lấy ở nhà chính là vì không khí gợi mở trong thiên nhiên cây cỏ trời nước của Thanh Niên. Tiếc là ít lâu nay, bánh tôm Hồ Tây được sản xuất đại trà, nên đã bị biến chất đi ít nhiều, mà dễ nhận thấy là mất đi những thỏi khoai lang trộn lẫn trong bột mì, nên miếng bánh, kém giòn, kém thơm, mất đi cái ý vị riêng mà nó đã làm thành món bánh có cái duyên đặc biệt Hà Nội.

Bánh tôm đã thành một món quà đặc sản của Hà Nội. Ngày lễ, Tết, sinh nhật, thanh niên ưa lên đây tổ chức một bữa kỷ niệm, bánh tôm cũng đa góp phần.

Tôm tươi Hồ Tây vẫn đang còn. Rau sống vùng Láng, vùng Phú Minh ngày nào cũng mang sự tươi non vào Hà Nội. Gió nước hai con hồ đặc biệt là một kho trời vô tận. Chắc chắn bánh tôm Hồ Tây còn là một nét văn hoá của người Hà Nội vậy.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *